Nguồn gốc pigment (1)

Pigment (n): hạt sắc tố, bột màu, chất màu

Nhiều tên màu có nguồn gốc lịch sử. Do độ chịu sáng kém, nguy hại cho sức khỏe và môi trường, ngược đãi động vật, thấm màu hoặc có đặc tính không mong muốn nên nguyên liệu tự nhiên ban đầu không được dùng để chế bột màu nữa. Theo thời gian, các nguyên liệu này được thay bằng bột màu ổn định có đặc tính màu sắc gần với màu truyền thống và tên gọi cũ được giữ nguyên.

1.   ULTRAMARINE

Màu lam Ultramarine thu hút trí tưởng tượng của con người từ đầu thời Trung Cổ. Ngày nay, khó tưởng tượng một bảng màu thiếu màu lam đậm có độ chịu sáng tuyệt hảo này. Tuy nhiên tới năm 1828 chỉ có duy nhất một nguyên liệu tự nhiên, cực đắt tiền để chế ultramarine, khiến bột màu này còn đắt hơn cả vàng nguyên chất.

1bb7c36b444398819e0e1095e05b7330

Lapis Lazuli

Ultramarine tự nhiên làm từ đá bán quý Lapis Lazuli, theo nghĩa đen là ‘đá’ (Latin) và ‘lam’ (tiếng Ba tư). Bột màu Ultramarine được chế thông qua quy trình đặc biệt tốn kém và công phu, đá thô được nghiền tay và loại bỏ tất cả tạp chất. Lapis Lazuli chất lượng tốt nhất khai thác tại Afghanistan, nơi Ultramarine đã và đang được dùng, ví dụ để vẽ tranh tường, từ t.k.6 và 7.

Đầu t.k.13, người ta tìm ra phương pháp thu Ultramarine tinh khiết hơn từ đá thô. Kết quả lượng bột màu thu được giảm đáng kể và giá tăng cao chưa từng thấy, thậm chí vượt cả vàng nguyên chất. Tuy thế, họa sĩ ấn tượng mạnh với cường độ và độ chịu sáng của bột màu tinh khiết nên nhu cầu ultramarine tăng lên. Ở Tây Âu, từ t.k. 14 lượng Lapis Lazuli nhập từ nước ngoài về nhiều hơn và đây là nguồn gốc của tên Ultramarine, xuất phát từ ‘ultra marum,’ tiếng Latin nghĩa là ‘bên kia biển’ hay ‘viễn dương’. Do giá cao, bột màu này không nằm trong bảng màu tiêu chuẩn và họa sĩ như các bậc thầy Hà Lan t.k.17, tính giá tranh cho khách cao hơn nếu dùng Ultramarine.

Ultramarine tổng hợp của Guimet

Trong Cách mạng Công nghiệp, ngành hóa học phát triển, người ta tìm ra Ultramarine thay thế có giá phải chăng cho Ultramarine tự nhiên. Năm 1824 một cuộc thi tổ chức tại Pháp trao thưởng 6000 francs cho người tổng hợp được Ultramarine giá thấp mà chất lượng tương đương Ultramarine tự nhiên. Vào thời đó, số tiền này là cả gia tài. Năm 1828 ba nhà hóa học, Guimet, Gmelin và Kottig cùng phát triển phương pháp thực nghiệm độc lập nhau, cuối cùng Guimet thắng cuộc do ông đã bí mật nghiên cứu đề tài này trong vài năm.

Về đặc tính, Ultramarine tổng hợp của Guimet không khác nhiều với người anh em tự nhiên. Cả hai đều dễ bị ‘bệnh Ultramarine’, hơi ẩm kết hợp axit làm màu lam bị bạc, phai. Chất lượng ultramarine ngày nay đã nâng cấp đáng kể và yếu tố bên ngoài gần như không ảnh hưởng tới độ đậm đặc của màu. Các hãng họa phẩm nổi tiếng như Royal Talens làm màu ultramarine hoàn toàn ‘câm’ với ‘bệnh Ultramarine’. Ngày nay Ultramarine hiện diện trên bảng màu tiêu chuẩn của tất cả các họa sĩ.

Pha trộn ultramarine với các màu đỏ ngả lam cho ra hàng loạt màu tím sắc độ phong phú. Ultramarine thường được dùng trong kỹ thuật láng, vẽ lớp mỏng, trong. Nếu vẽ mỏng trên nền trắng hoặc pha với ít trắng, ultramarine cho màu lam trong, đậm, đặc trưng.

2. GAMBOGE 

Màu Vàng Óng Từ Nhựa Độc

Màu vàng óng dùng từ thời Trung Cổ để tô màu chữ trang trí và minh họa. Màu chế từ nhựa cây Garcinia. Vì nhựa cây độc và độ chịu sáng kém, Gamboge ngày này làm từ bột màu không độc và không phai màu dưới tác dụng của ánh sáng.

f128468eeac9abecd06a2f8919614e7a

Gamboge là tên biến thể từ cây Garcinia, nguồn gốc Đông Nam Á, bao gồm cả Cambodia (Cam-pu-chia) nên có tên tiếng Anh Gamboge. Quy trình sản xuất bột màu này như sau:

Khi cây 10 tuổi, cao khoảng 15m, người ta thu mủ cây màu vàng sữa bằng một trong hai cách, rạch vỏ cây hoặc bẻ cành. Mủ cây hứng vào ống tre, để đông lại. Cần loại bỏ càng nhiều hơi ẩm càng tốt nên ống tre được hơ lửa. Phần còn lại là nhựa cây màu nâu nguyên chất, gọi là ‘Gamboge rods’.

Gamboge tự nhiên chứa ¼ gôm hòa tan và ¾ nhựa không hòa tan. Nhựa chứa chất màu nhưng gần như không nhìn thấy trong miếng Gamboge nguyên chất. Màu sắc chỉ thực sự sống động khi hòa tan gôm, phá vỡ liên kết giữa gôm và nhựa. Hạt nhựa nhỏ còn lại trong dung dịch ánh lên màu vàng ấm đặc trưng và đã sẵn sàng để vẽ. Phương pháp này dùng để chế bột màu tô chữ trang trí và minh họa trong bản viết thời Trung Cổ.

Hạt sắc tố không độc hại

Mặc dù màu vàng Gamboge tự nhiên trong suốt, óng ánh tuyệt đẹp nhưng nhựa cây Garcinia cực độc và hơn nữa, chịu sáng kém làm màu sắc chóng phai dưới tác dụng của ánh sáng. Ngày nay, màu Gamboge làm từ bột màu không độc hại và chịu sáng tuyệt vời, có thể giữ nguyên màu trong ít nhất 100 năm điều kiện bảo tàng.

Tác dụng làm thuốc

Ngoài màu vàng tuyệt đẹp, nhựa cây Garcinia còn chứa thành phần được cho là có tác dụng chữa thấp khớp và đau bụng, dùng trong phương thuốc nghiền mịn, liều nhỏ. Khoảng 4 gram sáp tinh khiết là có thể gây chết người.

3. INDIGO

Màu Lam chiết xuất từ thực vật

Bột màu Indigo phổ biến với họa sĩ khá sớm trong lịch sử. Đầu tiên ở La Mã, sau đó lan ra toàn châu Âu, đặc biệt từ giữa t.k.14 và 19. Indigo tự nhiên chiết xuất từ thực vật biến mất khỏi sân khấu khi nhà hóa học người Đức Adolf van Baeyer phát triển chất tổng hợp thay thế. Ngày nay Indigo làm từ các loại bột màu chịu sáng tốt.

7b5481cac7e5fff374908dcbe1f25075

Màu indigo có lịch sử lâu dài, có thể trước kỷ nguyên Kitô (trước Công Nguyên). Tên gọi này xuất phát từ Hy-lạp Indikon nghĩa là ‘màu từ Ấn Độ’. Indigo tự nhiên chiết xuất từ thực vật chứa phẩm nhuộm Indigotine. Ở châu Âu là cây Woad. Lá cây được nghiền, ngâm vào bồn nước nóng đến khi lên men tạo ra phẩm nhuộm có vị ngọt và làm nước đổi vàng. Người ta vớt bã cây ra, lọc nước vào bể nông. Sau đó dùng que/gậy vỗ nước đưa ô-xy vào nước để khởi đầu qúa trình hóa học, kết quả chất bột xanh bám vào thành bể và lắng xuống đáy bể. Người ta cạo bột ra, chia vào bánh, để khô. Để làm màu, bánh cao được nghiền rồi trộn với chất kết dính như trứng hoặc sáp.

Nhuộm phẩm lam

Nhuộm vải lại không phải quy trình thơm như làm bột màu. Bánh cao được ngâm vào nước chứa cám và nước tiểu, tạo thành hỗn hợp màu vàng.

Cho vải vào hỗn hợp, thường vào thứ Bảy, rồi phơi vào thứ 2. Nhờ oxy trong không khí, màu xanh quay trở lại. Đây là lý do vì sao có thuật ngữ ‘Thứ hai lam’ (Blue Monday).

Nhuộm vải là ngành thương nghiệp phát triển có quy mô lớn, đặc biệt ở Anh, các nước vùng đất thấp, Pháp và Thüringen (Đức).

Cuối t.k.15, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Vasco da Gama phát hiện ra một loài thực vật ở châu Á chứa lượng màu lam hơn 30 lần so với cây Woad. Loài cây này được đặt tên là Indigofera Tinctoria và màu lam chiết xuất từ cây gọi là Indigo. Mặc những nỗ lực mãnh liệt nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu và thậm chí cấm dưới hình phạt tử hình, phát hiện của Vasco da Gama đã báo trước kết thúc của kỷ nguyên sinh lợi từ cây Woad.

Màu Indigo tổng hợp của Adolf von Baeyer

Trong Cách mạng Công nghiệp, nhà hóa học Đức Adolf von Baeyer đã phân tích và sau đó tổng hợp được Indigo. Sau năm 1915 người ta không dùng đến cây Indigo nữa, nhưng bột màu mà Von Baeyer tổng hợp cũng không được dùng do độ chịu sáng kém xa mức cần thiết. Màu Indigo trong phổ màu chuyên nghiệp hiện nay được chế từ 2-3 loại hạt bột màu để có độ chịu sáng tốt hơn.

Màu Indigo không thể định nghĩa, vì phụ thuộc phần lớn vào loại và chất lượng cây chiết xuất màu. Trong cuốn sách ‘Schilderkunst, materiaal en techniek’ (‘Nghệ thuật hội họa, vật liệu và kỹ thuật’) Max Doerner viết rằng indigo có sắc độ tương tự màu lam Berlin. Trong khi đó, Isaac Newton đặt indigo giữa lam (blue) và tím (violet). Màu nước Rembrandt có màu Indigo đậm hơn và ngả lục.

4. CARMINE (đỏ yên chi)

Vẽ bằng máu côn trùng

Carmine được dùng từ hơn 2000 năm trong vải và mỹ phẩm. Vào t.k.18 bột màu dùng cho sơn mài lấy từ rệp son. Tuy nhiên, màu này nổi tiếng là chịu sáng kém. Ngày nay, màu đỏ tối carmine được chế từ bột màu tổng hợp và ổn định hơn.

86f9be04cedfac23df5843ac98ebfeb8

Tên Carmine có lẽ xuất phát từ chữ Ả Rập ‘Chamra’, nghĩa là đỏ và từ đó có thêm từ crimson. Màu đỏ tối này chịu sáng kém và chỉ đến t.k 18 mới được dùng làm bột màu trong sơn mài. Nhưng điều này không ảnh hưởng tới việc Carmine được người Ai Cập, Hy Lạp và Ro-ma dùng từ thời cổ đại để nhuộm vải. Họ chế phẩm nhuộm từ rệp son Cochineal sống trên cây Sồi Kermes. Thời Trung Cổ thuật ngữ Scarlet xuất hiện. Do giá cao, chỉ người giàu có – giới chức nhà thờ và người cầm quyền, chức sắc – mới có áo choàng hoặc áo dài màu đỏ Carmine.

Màu đỏ Tây Ban Nha

Khi những người thám hiểm Tây Ban Nha đặt chân tới Mexico vào đầu t.k. 16, họ bị ấn tượng bởi vải vóc và những khuôn mặt sơn của người Aztecs có màu đỏ hơn các màu đỏ mà họ từng thấy.

Loại phẩm nhuộm đó hóa ra được chiết xuất từ côn trùng Cochineal (rệp son, bọ yên chi) ký sinh trên cây xương rồng Nopal. Người Tây Ban Nha nhìn thấy khả năng sinh lời và ‘màu đỏ Tây Ban Nha’ bắt đầu được chuyển theo số lượng lớn về châu Âu. Khoảng 150,000 con rệp son mới sản xuất được 1 kg phẩm nhuộm, xương rồng bắt đầu được trồng trên diện rộng làm giá thành Carmine giảm xuống. Tuy thế Tây Ban Nha giữ bí mật nguồn gốc và đẩy giá lên quá cao khiến phẩm yên chi đắt ngang vàng. Trong một thời gian dài, các thế lực đối thủ chỉ có thể phỏng đoán nguồn gốc phẩm yên chi. Đến khi những thực dân khác tới châu Mỹ, nguồn gốc phẩm yên chi mới sáng tỏ. Sang t.k.19 sự độc quyền của Tây Ban Nha bị phá vỡ khi người ta phát hiện ra xương rồng nopal có thể sống khỏe ở các nước châu Mỹ khác, Indonesia và Quần đảo Canary.

Cornelis Drebbel

Vào t.k. 18 kỹ sư người Hà Lan Cornelis Drebel tìm ra cách cố định phẩm nhuộm trên một chất không hòa tan thông qua phản ứng hóa học. Kết quả cho ra bột màu ‘được sơn’. Từ đó Carmine bắt đầu được dùng trong hội họa với lượng hạn chế do chịu sáng kém. Các họa sĩ nổi tiếng như William Turner, George Braque và Cezanne sử dụng Carmine nhưng ngày nay chúng ta chỉ có thể đoán màu sắc tranh ban đầu trông như thế nào. Bột màu ‘được sơn’ rất khác với bột màu thay thế ngày nay.

Bạn có biết rằng…

Phẩm nhuộm tự nhiên chiết xuất từ rệp son và được đặt tên theo loài côn trùng này (đỏ yên chi) vẫn thường dùng để sản xuất mỹ phẩm như son môi, sơn móng tay và phấn mắt? Phẩm nhuộm có mã số E120 và có trong rất nhiều thực phẩm, như nước ép hoa quả, yoghurt, kem và kẹo.

Đặc tính

Carmine là màu đỏ tối, trong, ngả tím, vô cùng thích hợp để láng lớp mỏng, trong suốt, hoặc pha trộn các màu tím bằng cách kết hợp với lam Ultramarine hoặc lam Phthalo.

  1. MAGENTA

Màu sắc với quá khứ đẫm máu

Là một trong các màu sơ cấp, quan trọng trong hội họa. Phẩm nhuộm Magenta phát triển năm 1856, lấy tên trận đánh đẫm máu ở thị trấn Magenta, Italia. Do phẩm nhuộm chịu sáng kém, ngày nay màu đỏ-hồng này làm bằng bột màu Quinacridone.

magenta

Cách mạng Công nghiệp t.k.19 chứng kiến sự phát triển của hóa học, các nguyên liệu tự nhiên được thay bằng sản phẩm nhân tạo. Từ đó có sự tách biệt giữ phẩm nhuộm, bột màu tự nhiên và nhân tạo.

Tên màu tự nhiên thường có dấu hiệu chỉ nguồn gốc. Có thể chỉ thực vật, động vật hay khu vực xuất xứ. Ví dụ Madder – hồng thiên thảo – chiết xuất từ cây Madder (thiên thảo), Sepia (tiếng Latin chỉ mực ống) và vàng Ấn Độ (từ Ấn Độ). Phẩm nhuộm và bột màu nhân tạo lại khác. Ví dụ Magenta phát triển năm 1856, ban đầu được đặt một cái tên không phát âm nổi là triaminotriphenyl carbonium chloride. Vì màu nhạt giống fuchsia (hoa Vân Anh, hồng Hoa Đăng) nên được gọi đơn giản hơn là ‘Fuchsine’. Sau đó, màu lấy tên chính thức là Magenta.

Trận đánh Magenta

Năm 1859 Pháp và Áo tuyên bố chiến tranh. Một trận đánh diễn ra ở thị trấn Magenta, tỉnh Milan, Italy. Dù quân số ít hơn, 54,000 so với 58,000 quân Áo, Pháp đã thi hành diễn tập đáng ngạc nhiên và dành chiến thắng sát sao, hai bên đều tổn thất lớn. Pháp có 4000 người chết và bị thương, Áo 5700. Bãi chiến trường nhuốm đỏ máu và loại phẩm nhuộm phát hiện trước đó ba năm sau này mang tên Magenta.

Từ phẩm nhuộm tới bột màu

Tuy thế phẩm nhuộm magenta chưa thích hợp làm màu dày. Đầu tiên phẩm được kết tủa trên một loại pigment không màu để tạo ra pigment ‘sơn’ và làm thành màu ướt sền sệt. Tuy nhiên độ chịu sáng chưa đạt mức lý tưởng. Ngày nay Magenta làm từ bột màu Quinacridone chịu sáng tốt.

Phẩm nhuộm và bột màu… khác nhau thế nào?

Ở dạng bột, không phân biệt được phẩm nhuộm (dye) và bột màu (pigment). Sự khác nhau chỉ hiện rõ khi trộn với chất kết dính hoặc dung môi. Nếu bột tan giống đường tan trong nước trà thì bột đó là phẩm nhuộm và hợp để, ví dụ, làm mực lỏng. Bột màu ngược lại thích hợp để sản xuất màu vẽ sền sệt, dày. Điểm khác biệt quan trọng nữa là độ chịu sáng. Dưới tác dụng của ánh sáng, phẩm màu phai mạnh trong khi bột màu giữ màu nguyên bản lâu hơn.

  1. INDIAN YELLOW (Vàng Ấn Độ)

Bí mật không lời giải

Trong một thời gian dài người ta nghĩ màu Vàng Ấn Độ chiết xuất từ nước tiểu bò Ấn Độ. Bí ẩn quanh nguồn gốc bột màu đến nay vẫn không lời giải và từ lâu họa sĩ đã dùng bột màu nhân tạo khác thay cho bột màu tự nhiên.

6affd74b574e35344988450022a8aabf

Thời gian vàng Ấn Độ du nhập vào châu Âu không hoàn toàn rõ ràng. Tuy nhiên, người ta biết rằng giữa t.k. 15 – t.k. 18 những viên bóng màu nâu, mùi hăng được nhập từ châu Á sang châu Âu, khi vỡ cho bột màu vàng ấm rực rỡ bên trong. Bột màu được nghiền, trộn với chất kết dính như trứng, dầu hoặc gôm để làm màu vẽ trong suốt, có màu vàng óng riêng biệt. Nguồn gốc bột màu xuất xứ đâu đó từ Ba Tư, Trung Hoa hoặc Ấn Độ nhưng chính xác từ đâu thì có nhiều câu chuyện huyễn hoặc.

Nước tiểu bò và sỏi thận

Câu chuyện đáng chú ý nhất là bột màu chiết xuất từ nước tiểu bò Ấn Độ. Ở bang Bihar vùng đông bắc Ấn Độ, bò chỉ được ăn lá xoài non, do đó nước tiểu có màu vàng sáng. Nước tiểu để bay hơi, thu được bột màu và nhào trộn bột thành viên bóng. Vì không phải tất cả bột màu đều bài tiết hết nên bò có sỏi thận lớn khiến chúng cực đau đớn. Lũ bò nổi điên đá vào các thùng chứa loại nước tiểu đắt tiền, thế là người ta áp dụng biện pháp khắt khe như dùng dây da treo bò lên. Người ta còn nói rằng bò chỉ bài tiết nước tiểu khi được massage vùng sinh dục. Vì địa vị thiêng liêng của bò, quy trình sản xuất này bị cấm năm 1908.

Tuy nhiên, bằng chứng ủng hộ câu chuyện này rất mong manh. Nguồn tham khảo cụ thể duy nhất là một bức thư gửi tới Hiệp hội Nghệ Thuật năm 1883, trong đó ông Mukharij từ Calcutta nói đã tận mắt chứng kiến quy trình trên.

Họa sĩ Pháp Merimee trong cuốn ‘Nghệ thuật Hội họa Sơn dầu và Bích họa truyền thống’  (The Art of Painting in Oil and Fresco) từ 1939 viết rằng màu vàng Ấn Độ chiết xuất từ một loại cây bụi. Nhà hóa học Scotland John Stenhouse viết năm 1844 màu này lấy từ nhựa cây được cho kết tủa trên Magie, sau đó cô đặc thành viên. Nhà báo Anh, Victoria Finlay tỏ ra nghi ngờ câu chuyện bò ăn lá xoài. Trong cuốn ‘Màu sắc, du hành qua hộp màu’ cô cho rằng câu chuyện chỉ là sản phẩm bịa đặt để biến nhà cầm quyền thành trò hề.

Chất thay thế nhân tạo

Dù chiết xuất từ nước tiểu hay không, những gì còn lại của bột màu tự nhiên là trong vật sưu tầm. Vàng Ấn Độ từ lâu đã thay bằng chất tổng hợp có cùng màu vàng óng và chịu sáng tốt hơn.

Đặc tính

Vàng Ấn Độ là màu vàng ấm, trong. Khi pha trộn với các màu lam sẽ tạo ra những màu lục giàu có, trộn với đỏ sẽ cho sắc cam đẹp.

  1. VERMILION (đỏ thần sa, đỏ son)

Từ thủy ngân và lưu huỳnh tới hạt sắc tố không độc hại

Lịch sử vermilion có những khoảng lắng đen tối. Trong một thời gian dài vermilion được chiết xuất từ khoáng chất đá thần sa/chu sa cực độc (cinnabar), trong đó chứa hàm lượng thủy ngân và lưu huỳnh cao. Tới cuối t.k. 19, người ta mới tìm ra chất thay thế ít độc hại hơn dựa trên cadmium (cát-mi). Ngày nay, vermilion chủ yếu làm bằng hạt sắc tố hiện đại ổn định và không độc hại.

vermilion

Không hay biết về hậu quả với sức khỏe, rất lâu trước Công nguyên, vermilion được chiết xuất từ đá thần sa giầu thủy ngân và lưu huỳnh. Người Ro-ma thậm chí còn thêm vermilion vào son môi, tất nhiên chẳng tốt lành gì cho sức khỏe quý bà, quý cô. Bản thân khoáng chất này có màu đỏ đậm và phải nghiền thành bột trước khi dùng làm màu vẽ. Bột màu càng nghiền mịn, màu đỏ càng nồng. Họa sĩ Cennino Cennini t.k. XV viết trong cuốn sách nổi tiếng ‘Cẩm nang nghệ thuật’ (‘The Craftsman’s Handbook’) rằng: ‘Nếu bạn có ý định mài nó mỗi ngày trong 20 mươi năm, nó chỉ đơn giản là đẹp hơn và hoàn hảo hơn.’ Đây là công việc vất vả dành cho các thợ học việc thời Phục Hưng và Baroque.

Bình Vermilion Hà Lan

Vermilion được cho là có thể được sản xuất nhân tạo từ t.k. 18 bằng cách đun nóng hỗn hợp thủy ngân và lưu huỳnh trong bình bít kín bằng đất sét, tạo ra sulphide thủy ngân đỏ, còn gọi là vermilion. Quy trình đun là một nghệ thuật và vào t.k. 17 – 18 những thợ đun vermilion Hà Lan nổi danh toàn cầu nhờ những hũ vermilion tuyệt vời. Thủy ngân được khai thác từ mỏ thủy ngân, mỏ lớn nhất gần thành phố Almeden, Tây Ban Nha. Tù nhân bị bắt đi khai thác, nhiều người trong số đó nhiễm độc do hít phải hơi thủy ngân.

Chất thay thế

Cuối t.k. 19, vermilion tự nhiên được thay bằng đỏ cát-mi, không độc hại như vermilion và bền màu hơn. Vermilion thủy ngân theo thời gian sẽ phai màu do thay đổi hóa học. Nghiên cứu gần đây cho thấy quá trình này xảy ra theo 2 giai đoạn dưới tác dụng của chloride trong không khí. Đầu tiên một lượng chloride rất nhỏ kết hợp với ánh sáng tạo ra những giọt thủy ngân kim loại (nguyên chất) màu đen có thể nhìn thấy trên tranh. Thủy ngân này sau đó phản ứng tiếp với chloride làm lớp vermilion cổ đổi màu thành mảng đen. Hơn nữa, vermilion không thể pha trộn với bột màu giầu đồng và chì như trắng chì, vàng chrome và xanh đồng (verdigris). Do những nỗ lực bảo vệ ngành thương mại sinh lợi từ vermilion thủy ngân đắt tiền, mất một thời gian đỏ cát-mi mới phổ biến trên thị trường. Cát-mi cũng độc hại cho sức khỏe và môi trường dù nhẹ hơn vermilion.

Trận chiến giữa rồng và voi

Trong thuật giả kim, thủy ngân (1 lít nặng 13.6 kilo) và sulphur (thành phần trong thuốc súng) được biểu trưng riêng bằng voi và rồng. Trong thần thoại cổ nguồn gốc vermilion được mô tả như sau:

‘Rồng, luôn khát máu voi, quấn đuôi vào chân voi. Voi thoát được nhờ vòi nhưng rồng ngay lập tức cắn vào mắt, mũi và hút hết máu voi. Voi yếu đi nhanh chóng cuối cùng ngã quỵ, đè rồng bên dưới mình.’

Bạn có biết…?

Từ vermilion biến thể từ tiếng Latin ‘vermiculus’ hay ‘sâu nhỏ’, có thể chỉ một sinh vật giống sâu tạo ra phẩm nhuộm màu đỏ son. Trong tiếng Đức từ ‘Zinober’ được dùng chỉ đá thần sa/chu sa (cinnabar), đến từ từ Hy Lạp ‘kinnabari’, nghĩa là màu đỏ son.

  1. COBALT (cô-ban)

Từ ‘bạc giả’ tới bột màu

Trong hội họa, cô-ban được biết là màu lam tuy nhiên bột màu truyền thống chiết xuất từ khoáng chất có rất nhiều sắc thái, từ vàng tới đỏ, từ lam tới lục. Cô-ban được dùng tạo màu kính và gốm sứ. Tên cobalt lấy từ yêu tinh nữ dưới đất hay ‘kobolds’. Về tên gọi chúng ta cần quay ngược thời gian khá xa đến trước Công Nguyên.

Khi tìm kiếm đá và kim loại hữu dụng, con người tìm ra bạc. Bạc dễ náu chảy và hơn nữa có màu tuyệt đẹp. Tuy nhiên, nhiều kim loại khác trông giống bạc và thường bị nhầm lẫn dẫn tới kết quả không mấy dễ chịu. Khi nấu chảy ‘bạc giả’ giải phóng ra chất độc gây chết người nếu hít phải. Và ‘thợ mỏ’ nghĩ rằng đó là do yêu tinh nữ làm, chúng ăn cắp bạc và thay vào đó bằng kim loại độc hay kobold. Sau đó, chất này được gọi là cobalt. Ngày nay chúng ta đã biết sự thật hoàn toàn khác, các hợp chất cô-ban hút asen (thạch tín), khi đun nóng chúng giải phóng ra chất cực độc trioxit asen (arsenic trioxide).

3445a0364cd97d1536e9d69ae0a36e0f

Kính là nguyên liệu thô làm màu vẽ

Quay về thời cổ đại nhiều khoáng chất màu nhạt chứa cô-ban được dùng để làm màu kính và gốm sứ. Một loại kính có màu lam nổi tiếng là smalt (thủy tinh xanh), được dùng làm nguyên liệu thô để vẽ từ thời Trung Cổ. Thủy tinh xanh được nghiền và trộn với chất kết dính. Trong thời gian dài loại lam cô-ban này là chất thay thế với giá phải chăng cho ultramarine làm từ đá bán quý lapis lazuli khai thác tại Afghanistan. Tuy nhiên, điểm bất lợi lớn nhất là nếu cho quá nhiều dầu màu lam cô-ban cuối cùng sẽ đổi thành lục-xám bẩn.

Pigment ổn định

Năm 1802, nhà hóa học Pháp Louis Jaques Thénard bắt đầu thí nghiệm hợp chất cô ban – asen dùng trong đồ sứ Sèvres. Ông khám phá ra rằng kết hợp cobalt oxide và aluminium oxide (nhôm oxit) sẽ tạo ra bột màu lam có độ ổn định cao, hiện nay là màu cobalt blue (lam cô-ban). Sau đó, các màu dựa trên cô ban cũng được phát hiện. Ví dụ, cuối t.k.18, kết hợp với zinc oxide (kẽm oxit) tạo ra cobalt green (lục cô-ban). Sang t.k.19, Cerulean blue (xanh da trời) ngả lục, cobalt violet (tím cô-ban), red cobalt (cô-ban đỏ) và cobalt yellow (vàng cô-ban) được phát triển, khi kết hợp với tin oxide, phosphate, magnesium oxide và potassium oxide. Ngày nay, màu đỏ và vàng cô-ban được thay bằng các màu cát-mi ổn định hơn, còn những màu khác vẫn được dùng và nổi tiếng là chịu sáng tốt.

Chất đắt tiền

Pigment cô-ban có độ chịu sáng tuyệt vời, nhưng rất đắt. Phụ thuộc vào màu sắc, giá pigment có thể hơn 300 euro một kilô. Trong tất cả các pigment lam, cobalt blue là màu duy nhất có độ đục cao.

  1. STIL DE GRAIN

‘Từ màu vàng chóng phai tới hạt sắc tố chịu sáng’

Các bậc thầy nổi tiếng như Rembrandt, Vermeer và Rubens từng dùng Stil de grain ở dạng ‘được sơn’. Stil de grain có màu vàng, nâu và xanh. Phẩm nhuộm chiết xuất từ nhiều loại quả mai (buckthorn berries) và chịu sáng kém. Ngày nay Stil de grain làm bằng bột màu chịu sáng tốt có cùng sắc và khả năng láng giống màu tự nhiên.

stildegrain_dinfantasi

Giới Họa sĩ dùng Stil de grain từ thời Trung Cổ. Những nguồn sử nhắc tới thuật ngữ tiếng Pháp ‘Stil de grain jaune’ và ‘Stil de grain vert’. Phẩm nhuộm chiết xuất từ quả berry chưa chín ở Trung và Nam Âu, dùng soda và nước và xử lý, ví dụ trong mực hòa tan. Màu sắc thu được khác nhau từ vàng tới nâu, phụ thuộc vào mức độ chín của quả berry. Ở giai đoạn sau phẩm nhuộm mới được chế thành bột màu và dùng làm sơn ướt.

Bột màu ‘được sơn’

Các bậc thầy Hà Lan t.k.17 dùng Stil de grain ở dạng ‘được sơn’, kết quả của quá trình phẩm nhuộm phản ứng hóa học kết tủa trên hạt sắc tố vô cơ, không màu. Bột màu có thể làm sơn dầu dày nhưng chịu sáng kém. Một tên thông dụng của màu vàng này là ‘schietgeel’, có thể lấy từ từ Hà Lan verschieten, phai màu. Một lý giải khác là quả buckthorn berry có tác dụng nhuận tràng cao (laxative) và từ ‘schietgeel’ (chuyển vàng) có thể là biến đổi nghĩa của ‘schijtgeel’ chỉ màu vàng của bệnh tiêu chảy.

Thay thế mới

Bột màu ‘sơn’ buckthorn được dùng trong thời gian dài. Về chất lượng, ngày nay Stil de grain làm bằng pigment chịu sáng tốt có cùng màu và trong suốt như màu truyền thống. Chất thay thế mới cũng rất thích hợp với kỹ thuật láng. Tên lịch sử có hàng thế kỷ được giữ nguyên và Stil de grain vẫn còn cho thế hệ tương lai.

Thanh Hoa Art Supplies lược dịch

09 July 2016

Nguồn:

https://www.royaltalens.com/inspiration/a-guide-to-pigments/origin-of-pigments/

Leave a comment